Hãy để đội ngũ của Minh Long Legal hỗ trợ bạn!

Quyền Xuất Khẩu Của Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài

Tác giả: Luật gia Nguyễn Thị Minh Liên

Tình huống:

Công ty T&T Corp là công ty FDI 100% vốn Nhật Bản. Chúng tôi có những vấn đề cần được tư vấn sau đây:

Trong Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cấp có ghi nhận các hoạt động sau:

Thực hiện quyền phân phối bán lẻ (không thành lập các cơ sở bán lẻ) các hàng hóa: chế phẩm thực phẩm từ bột, tấm, bột thô, tinh bột hoặc chiết xuất malt; các loại bánh, vỏ viên nhộng dùng trong ngành dược và các sản phẩm tương tự; xà phòng và các chế phẩm dùng để giặt rửa, làm sạch, đánh bóng, cọ rửa và các chế phẩm tương tự; các sản phẩm dùng trong vận chuyển hoặc đóng gói hàng hóa, các loại nút đậy, nắp, mũ van bằng plastic; bộ đồ ăn, bộ đồ dùng nhà bếp, các sản phẩm gia dụng khác; các sản phẩm phục vụ vệ sinh; sản phẩm may mặc và đồ phụ trợ may mặc; các loại giấy, bìa và các sản phẩm làm bằng giấy, bìa; các loại bao bì, nhãn, phù hiệu; các loại khăn và các mặt hàng dệt đã hoàn thiện khác; các loại giày, dép; các loại mũ, vật đội đầu khác; đồng hồ cá nhân và đồng hồ ghi thời gian khác; các mặt hàng vật dụng văn phòng, văn phòng phẩm; …

Hiện công ty chúng tôi muốn mở rộng kinh doanh bằng việc mua thực phẩm từ các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, cụ thể: Nhân hạt điều. Nhân hạt điều được chế biến qua các công đoạn: phơi khô; sàng; hấp; cắt tách; sấy khô; bóc vỏ lụa; phân loại; hun trùng; đóng thùng ở khâu kinh doanh thương mại. Về nghiệp vụ thông quan thì chúng tôi không có vấn đề gì khi tiến hành thủ tục xuất khẩu. Nhưng về mặt pháp lý, thì công ty chúng tôi không biết liệu có được phép mua bán và xuất nhập khẩu hàng hóa/sản phẩm không có trong Business License hay không? Có cần điều chỉnh Giấy phép không?

Khi mua vào mặt hàng này thì chịu thuế GTGT thuế suất bao nhiêu phần trăm. Khi xuất khẩu có được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu không?

Quyền Xuất Khẩu Của Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài

Nội dung tư vấn của Minh Long Legal:

1. Quyền xuất khẩu đối với mặt hàng “nhân hạt điều”:

Công ty T&T Corp là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa (trong đó có “thực hiện quyền xuất khẩu”) đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được pháp luật quy định chặt chẽ.

Trước tiên, quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý ngoại thương 2017.

“Quyền xuất khẩu” theo quy định theo định nghĩa tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP là: “quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.”

Theo đó, việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện mua hàng hóa trong nước sau đó xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được gọi là “thực hiện quyền xuất khẩu”.

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp FDI đã có quyền xuất khẩu, được xuất khẩu: Hàng hóa mua tại Việt Nam; hàng hóa do tổ chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam ra nước ngoài và khu vực hải quan riêng, theo các điều kiện sau:

– Hàng hóa xuất khẩu không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; danh mục hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu; danh mục hàng hóa không được quyền xuất khẩu trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

– Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, theo điều kiện, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải có giấy phép hoặc đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra mặt hàng “nhân hạt điều” trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu tại Phụ lục I và Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép, điều kiện tại Phụ lục II (kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP) thì không thấy mặt hàng này nằm trong hai danh mục kể trên.

Bên cạnh đó, cần xem thêm quy định về “Quyền xuất khẩu” thực hiện theo lộ trình do Bộ Công thương quy định tại Thông tư 34/2013/TT-BCT. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện quyền xuất khẩu đối với hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư 34 này:

PHỤ LỤC SỐ 01

DANH MỤC HÀNG HÓA KHÔNG ĐƯỢC THỤC HIỆN QUYỀN XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương)

Mã s hàng hóa Mô tả hàng hóa
  Dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bitum, ở dạng thô
2709.00. 10 – Dầu mỏ thô
2709.00. 20 – Condensate
2709.00. 90 – Loại khác

Mặt hàng “nhân hạt điều” không nằm trong danh mục trên, do đó, quý công ty được thực hiện quyền xuất khẩu đối với mặt hàng nhân hạt điều (tức mua nhân hạt điều trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài) nếu đáp ứng yêu cầu về mặt thủ tục.

Lưu ý, trường hợp này pháp luật đặt ra điều kiện là doanh nghiệp FDI không được trực tiếp mua mặt hàng “nhân hạt điều” từ người nông dân để xuất khẩu ra nước ngoài mà phải mua từ thương nhân có đăng ký kinh doanh.

2. Điều kiện về giấy phép để thực hiện quyền xuất khẩu mặt hàng “nhân hạt điều” đối với doanh nghiệp FDI:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì Giấy phép kinh doanh chỉ đặt ra đối với các trường hợp doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động sau đây:

Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09; Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 09; Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09; Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành; Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo; Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại; Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các hoạt động không thuộc trường hợp cấp giấy phép kinh doanh theo quy định trên, doanh nghiệp FDI hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (trong đó có thực hiện quyền xuất khẩu) sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Theo đó, quyền xuất khẩu mặt hàng “nhân hạt điều” không thuộc trường hợp cấp giấy phép kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 NĐ 09 trên; do vậy, để thực hiện được hoạt động này thì phải cập nhật trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Sau khi chúng tôi kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của quý công ty thì chưa thấy có đăng ký ngành nghề này. Vậy thủ tục cần thực hiện là điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để bổ sung thêm ngành nghề “thực hiện quyền nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng”.

3. Thuế GTGT:

3.1. Thuế GTGT mặt hàng nhân hạt điều:

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC:

“Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

5. Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.”

Như vậy, trường hợp này Quý công ty mua mặt hàng nhân hạt điều (được sơ chế biến qua các công đoạn: phơi khô; sàng; hấp; cắt tách; sấy khô; bóc vỏ lụa; phân loại; hun trùng; đóng thùng) từ các doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong nước ở khâu kinh doanh thương mại thì không có thuế đầu vào đối với mặt hàng này.

3.2. Hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:

Căn cứ quy định tại Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC) thì Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (trừ các trường hợp được coi như xuất khẩu) để được khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT đầu vào phải có đủ 04 điều kiện và các thủ tục sau:

– Phải có hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa);

– Phải có tờ khai hải quan (trừ một số trường hợp);

– Phải thanh toán qua ngân hàng;

– Phải có hóa đơn thương mại.

Khoản 4 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC) quy định như sau:

“4. Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

Doanh nghiệp trong tháng/quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.”

Như vậy, nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng/quý; nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

Trong kỳ nếu doanh nghiệp có phát sinh số thuế đầu vào chưa được khấu trừ như: chi phí thuê văn phòng (10%), chi phí văn phòng phẩm (5%)… Tuy nhiên, trường hợp của quý công ty vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

4. Về thủ tục điều chỉnh giấy phép đầu tư:

4.1. Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Cơ sở pháp lý: Luật đầu tư 2020; Nghị định 31/2021/NĐ-CP; Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT.

Thành phần hồ sơ:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư theo mẫu I.7 (kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT);

(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh (kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT);

(3) Quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư của nhà đầu tư;

(4) Bản sao hợp lệ Hộ chiếu của nhà đầu tư là cá nhân người Nhật Bản;

(5) Giấy ủy quyền nộp hồ sơ.

Hồ sơ được nộp về Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở KH-ĐT thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

4.2. Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Thành phần hồ sơ:

(1) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo mẫu Phụ lục II-1 (kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của công ty;

(4) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;

(5) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế của công ty;

(6) Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp theo mẫu Phụ lục II-14 (kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(7) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ.

Hồ sơ được nộp về Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Sau khi được cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp thì Quý công ty sẽ thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Thủ tục thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh và thủ tục công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp có thể được thực hiện đồng thời một lúc).


Trên đây là nội dung tư vấn của Minh Long Legal về “Quyền Xuất Khẩu Của Doanh Nghiệp Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài cùng những thông tin liên quan. Quý khách có nhu cầu về dịch vụ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Minh Long Legal 03 7777 3369 hoặc minhlonglegal@gmail.com để được hỗ trợ nhanh nhất!

Gọi điện thoại
03.7777.3369
Chat Zalo